Hoàn tất đàm phán hiệp định thế kỷ - TPP
"Chúng tôi, Bộ trưởng Thương mại Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam vui mừng thông báo đã đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP", Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố.
"Xin chào quý vị, cuối cùng thì chúng tôi cũng tiến hành được cuộc họp báo hôm nay. Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận sẽ hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố phát triển và thúc đẩy đột phá trong khu vực châu Á – Thái Binh Dương”, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman mở đầu cuộc họp tại Alanta sáng 5/10, tức 8h20 tối Hà Nội, sau nhiều lần trì hoãn vì đàm phán kéo dài.
Theo lịch trình ban đầu, cuộc họp báo công bố kết quả đàm phán được bố trí vào thứ sáu tuần trước song đã phải liên tục dời lại khi Bộ trưởng Thương mại 12 nước vẫn họp thâu đêm để tìm tiếng nói chung. Đến tận khuya 4/10, sau 5 ngày ròng rã, khả năng kết thúc đàm phán chỉ được dự báo với xác suất 50/50.
Đại diện Thương mại Mỹ nhận định TPP sẽ giúp thúc đẩy việc làm, tăng trưởng bền vững và tiến bộ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Q.D
Ông Froman nhấn mạnh TPP sẽ mang lại lợi ích cho người dân tất cả các nước, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn cao hơn cho gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận sẽ giải quyết các thách thức của thế kỷ 21, nhưng vẫn có điều chỉnh tùy vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo mới và duy trì công ăn việc làm, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, cải thiện mức sống, giảm đói nghèo, đồng thời tăng cường minh bạch, khả năng quản trị và bảo vệ môi trường tại các nước thành viên. Để chính thức hóa các kết quả của hiệp định, các nhà đàm phán sẽ phải tiếp tục làm việc để hoàn thiện phần công bố.Trong buổi họp báo, đại diện các nước đã trả lời câu hỏi của giới truyền thông về những vấn đề từng là nút thắt trong TPP, như dược phẩm, các sản phẩm sữa, hay vấn đề tiền tệ, lao động.
Trả lời câu hỏi về tác động của thỏa thuận này lên kinh tế Việt Nam và các ngành công nghiệp như dệt may, Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng đã cho biết: “Dệt may đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của chúng tôi. Vì vậy, khi tham gia TPP, lĩnh vực dệt may của chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh hơn, làm lợi cho người nghèo. Ngành này tại Việt Nam đang sử dụng khoảng một triệu lao động. Tôi muốn cảm ơn các quốc gia TPP vì đã tạo các điều kiện thuận lợi cho dệt may Việt Nam”.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhận được câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam đáp ứng các điều kiện về lao động của TPP. "Lao động là một trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất trong quá trình đàm phán của chúng tôi", Bộ trưởng nhận đinh. Tuy nhiên, đại diện Việt Nam cũng cho biết các điều kiện về lao động trong TPP được quy chiếu theo chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). "Là thành viên của ILO, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu này", ông Hoàng khẳng định.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand – nước có đòi hỏi rất thách thức về mở cửa thị trường sữa đã khẳng định “Thật phi thường khi chuyến xe TPP đã đỗ lại ở Atlanta”. Ông cho biết New Zealand đã có thỏa thuận tốt từ TPP và “TPP có lợi cho tất cả thế hệ người dân các nước chúng ta”.
Đại diện Canada - Bộ trưởng Thương mại Ed Fast thì cho biết TPP sẽ chỉ cho phép tiếp cận hạn chế lên thị trường các sản phẩm từ sữa và gia cầm nội địa đang được bảo hộ của nước này. Đây là vấn đề chính trị nhạy cảm trước cuộc bầu cử ngày 19/10 tới. Ông khẳng định TPP vẫn duy trì các cột trụ chính của hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, gồm kiểm soát nhập khẩu, giá cả và nguồn cung. Người Canada cũng sẽ không bị mất việc làm từ TPP.
Các nhà đàm phán cũng đã nhượng bộ về thời hạn bảo hộ độc quyền dược phẩm. “Đây là một trong những vấn đề thách thức nhất của việc đàm phán”, Đại diện thương mại Mỹ - Froman cho biết. Ông tin rằng TPP sẽ “thôi thúc sự phát triển của các loại thuốc cứu người mới, nhưng vẫn đảm bảo quyền tiếp cận với các loại thuốc này”. Ông cho biết mục tiêu là các nước TPP đều hưởng kết quả tương đương từ dược phẩm làm từ tế bào sống.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản – Akira Amara nhận định TPP không chỉ là vấn đề về thuế nhập khẩu, mà còn là vốn và đầu tư. Ông khẳng định sẽ còn nhiều nước khác tham gia TPP.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe đã hoan nghênh thỏa thuận này. Ông cho biết TPP "là thành quả lớn cho cả Nhật Bản và tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương". Dù vậy, hiệp định hoàn chỉnh sẽ vẫn cần Quốc hội 12 nước tham gia thông qua.
Trong phiên họp tại Hawaii (Mỹ) cuối tháng 7, các Bộ trưởng đã không thể đạt thỏa thuận về TPP, dù nhiều vấn đề cốt lõi đã được giải quyết. Những điểm còn vướng mắc là thuế nhập khẩu sữa và phụ tùng ôtô, cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm.
Vì vậy, phiên họp tại Atlanta lần này rất được kỳ vọng sẽ hoàn tất TPP. Sau 4 ngày họp của các trưởng đoàn đàm phán, từ 26/9 đến 29/9, Bộ trưởng Thương mại các nước cũng họp bàn từ 30/9. Các cuộc nói chuyện dự kiến kết thúc vào 1/10, nhưng sau đó liên tục được kéo dài khi các Bộ trưởng thể hiện quyết tâm không ra về nếu không ký được TPP.
Đến ngày 4/10, đàm phán TPP vẫn còn vướng mắc quanh vấn đề mở cửa thị trường sữa. Trong khi đó, bảo hộ độc quyền dược phẩm và miễn thuế nhập khẩu ôtô đã tìm được tiếng nói chung.
Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ). Ảnh: USTR
TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
Chính quyền Tổng thống Obama cũng kỳ vọng Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhì thế giới, cuối cùng sẽ phải chấp nhận các tiêu chuẩn do TPP đặt ra, đặc biệt nếu các quốc gia khác, như Hàn Quốc tham gia như dự kiến.
Đàm phán TPP luôn giữ bí mật về chi tiết các điều khoản trong thỏa thuận. Nhiều nhà chỉ trích cho rằng lợi lộc từ TPP chủ yếu sẽ rơi vào các tập đoàn lớn.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Malaysia và Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi.
Trong khi đó, những nước không tham gia TPP sẽ chịu thiệt hại do giao thương chuyển hướng, nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,2% vì TPP.